Monday, January 2, 2012

Đam mê, liệu chắc thành công?


Một số người cho rằng niềm đam mê là yếu tố quan trọng nhất, là động lực thúc đẩy thành công.

Tôi không đồng ý.

Đam mê chỉ đơn giản là một trạng thái cảm xúc - một trạng thái mang tính nhất thời và không ổn định. Lý do khiến cho nó được nhiều người ca ngợi đến vậy là vì nó giúp tạo động lực cho hành động. Mà hành động lại là cái đem lại kết quả.

Chúng ta hãy suy nghĩ theo hướng này:
Đ = Đam mê
H = Hành động
K= Kết quả

Với điều kiện cho trước:
Đ tạo ra H
H tạo ra K

Kết luận rút ra:

Đ tạo ra K
Đây là kết luận đúng về logic.

K đòi hỏi Đ
Không. Không thể suy ra điều này từ những điều kiện cho sẵn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cũng biết được điều này:
KL  tạo ra H
KL không phải Đ

Lúc này, bạn có thể nói rằng kết luận "K đòi hỏi Đ" là hoàn toàn sai.

KL = Kỷ luật

Tới đây chắc bạn đã hoa mắt chóng mặt rồi nhỉ? Vậy tôi xin diễn giải bằng lời như sau:
- Kết quả do hành động sinh ra (không có hành động, không có kết quả)
- Niềm đam mê có thể dẫn tới hành động, do đó, nó có thể tạo ra kết quả
- Tính kỷ luật cũng có thể dẫn tới hành động, do đó, nó cũng tạo ra kết quả
- Vì thế, đam mê không phải là yếu tố bắt buộc phải có để tạo ra kết quả

Đam mê không phải là yếu tố cần thiết để đem lại thành công.

Vậy thì cái nào tốt hơn: niềm đam mê hay tính kỷ luật? Tôi cho rằng kỷ luật là động lực tốt hơn.

Giống như tất cả các trạng thái cảm xúc khác, đam mê lên xuống thất thường. Đôi khi bạn có động lực rất lớn. Đôi khi lại không thế. Niềm đam mê có khi bốc cao ngùn ngụt, có khi lại trượt dài như xuống dốc không phanh; vì lẽ đó, nếu bạn hành động dựa vào mức độ đam mê, thì các kết quả bạn thu về cũng sẽ phụ thuộc vào các cảm xúc của bạn. Bạn cảm thấy đam mê ư? Vậy thì sẽ có những hành động tuyệt vời và kết quả tuyệt vời. Bạn không cảm thấy đam mê? Hành động yếu ớt và kết quả bình thường.

Lấy đam mê làm động lực duy nhất sẽ không thể bảo đảm thành công, cũng giống như không thể lấy tình yêu ra mà bảo đảm cho một mối quan hệ lâu dài.

Tính kỷ luật tự giác còn quan trọng gấp nhiều lần niềm đam mê, đặc biệt là trong công việc. Thực ra, nếu bạn nâng tính kỷ luật lên một cấp độ cao, thì nó sẽ khiến niềm đam mê phải bẽ mặt.

Tính kỷ luật cho phép bạn thực hiện hành động, và do đó bạn có thể đạt được kết quả bất kể tình trạng cảm xúc của mình ra sao. Trong khi niềm đam mê đến và đi bất chợt, thì tính kỷ luật lại đem lại sự bền vững và ổn định. Và bởi vì không bị cảm xúc ngáng đường, nên các quyết định của bạn có khả năng thu được thành công cao hơn do chúng được đưa ra dựa trên một trạng thái tinh thần ổn định chứ không dựa vào những lên xuống thất thường của cảm xúc.

Nếu bạn ở vào những hoàn cảnh sau, bạn sẽ chọn điều gì?

Nếu bạn sắp trải qua một ca mổ tim, bạn muốn người thực hiện nó là một bác sĩ có kỷ luật, bình tĩnh, hay một bác sĩ có niềm đam mê nhưng không có kỷ luật?
Nếu bạn đang bị điều tra về tội giết người, bạn muốn luật sư bào chữa là người có kỷ luật, bình tĩnh, hay là người có niềm đam mê nhưng không có kỷ luật?
Nếu bạn đang bay trong một tàu vũ trụ, bạn muốn nhóm điều khiển mặt đất là những người có kỷ luật, bình tĩnh, hay có niềm đam mê nhưng không có kỷ luật?

Đam mê là tốt, nhưng nó chỉ là bề mặt. Nó cần có sự trợ giúp của tính kỷ luật.

Tuy thế, kỷ luật lại có vẻ "kém tiếng" hơn. Ngày nay, sự đam mê được chú ý hơn bởi vì nó "ồn ào" hơn.

Thủy Nguyệt sưu tầm & dịch

4 comments:

  1. Bài hay quá.

    Không biết bạn dịch từ bản gốc là của ai viết? Mình thấy người Việt rất kém kỷ luật (người Nhật thì ngược lại) nên cần đam mê để bù chăng? (Người ta vẫn bảo người Việt duy tình kém duy lý?).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái này có phải tự sướng ko đây ta?

      Delete
  2. Mình lấy bài này từ blogger Steve Pavlina:http://www.stevepavlina.com/blog/2005/05/passion-vs-self-discipline/

    Nếu có thể coi mình là một người Việt điển hình, thì chúng ta vừa kém kỷ luật vừa thiếu đam mê. Đam mê dường như không phải là thứ được chào đón ở đây. Đôi khi thì mình hình dung đây là một xã hội của những zombie. Theo mình, để tạo ra những con người biết đam mê, một điều quan trọng cần làm là xây dựng một nền văn hóa cá nhân, đề cao cái tôi của mỗi người. Nhưng chúng ta không có những cá nhân xuất sắc, chỉ có những tập thể vĩ đại mà thôi.
    Nói người Việt duy lý thì hẳn nhiên là không phải rồi, nhưng nếu nói người Việt duy tình, thì cái "tình" của người Việt là như thế nào cũng có nhiều cái để bàn lắm.
    Nói chung, người Việt, với mình, vẫn là một ẩn số quá lớn.
    À, nhân tiện, nếu không có gì riêng tư, đam mê của bạn là gì? Mình thì vẫn chưa tìm ra :(

    ReplyDelete
  3. Thực tình thì mình định xóa 1 cái comment trùng của mình đi, nhưng không hiểu nhìn gà hóa cuốc thế nào lại xóa nhầm cái comment quý giá của bạn. Chân thành xin lỗi.
    Chúc bạn sớm tìm được team như ý; trong thời gian chờ đợi đó, chúc bạn đủ niềm vui để hài lòng với công việc của mình mà không cần team đó :)

    ReplyDelete